Giai đoạn nào trẻ lớn nhanh nhất?

Vợ chồng tôi đều thấp bé nhẹ cân. Tôi sợ con cũng giống gen bố mẹ vì cháu đầu đã gần 2 tuổi mà mới chỉ cao có hơn 70cm.

Vợ tôi đang mang thai được 2 tháng. Mong chuyên mục cho biết, phải làm thế nào để con tôi phát triển chiều cao và giai đoạn nào thì trẻ lớn nhanh nhất?
Nhật Nam (Hải Dương)

Sự phát triển chiều dài của thai nhi rất sớm ngay từ những tuần đầu của bào thai và chiều dài đạt cao nhất vào giai đoạn trước tuần thứ 15 của thai kỳ, trong khi đó cân nặng của bào thai đạt cao nhất vào tuần thứ 32 đến tuần thứ 34 của thai kỳ. Chiều dài của thai nhi có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với chiều cao đỉnh điểm có thể đạt tới lúc trưởng thành.
Sau khi ra đời, trong năm đầu tiên chiều cao trẻ phát triển nhanh, chiều cao trẻ 1 tuổi gấp rưỡi chiều cao lúc mới đẻ, ví dụ lúc mới sinh chiều dài của trẻ là 50cm, đến 1 tuổi chiều dài của trẻ sẽ là 75cm. Từ 1 tuổi đến 10 tuổi trẻ ở giai đoạn lớn đều mỗi năm tăng trung bình khoảng 5cm. Khi đến thời kỳ tiền dậy thì trẻ lớn rất nhanh. Tuổi tiền dậy thì của trẻ em Việt Nam là 9 – 11 tuổi đối với nữ và 12 – 14 tuổi đối với nam. Lứa tuổi này chiều cao của trẻ nữ tăng mỗi năm khoảng 6cm và trẻ nam là 7cm. Khi đến tuổi dậy thì (12 – 13 đối với nữ và 15 – 16 đối với nam) thì sức lớn chậm lại, mỗi năm tăng khoảng 2cm. Giai đoạn tiếp theo cho đến 25 tuổi thì sức lớn rất chậm, chỉ tăng 1-2cm hoặc hầu như không tăng. Cơ thể con người hết tuổi lớn với nữ là khoảng 23 tuổi và nam là 25 tuổi.
Để phát triển chiều cao, ngoài gen của bố mẹ, dinh dưỡng cũng đóng vai trò rất quan trọng. Bạn nên bổ sung cho bé lớn và bà xã đang mang bầu đầy đủ chất đạm, chất béo và canxi, kẽm, sắt, vitaminh A…Ngoài ra, môi trường trong lành và thường xuyên luyện tập thể dục thể thao có tác dụng rất tốt tới sự phát triển thể lực hỗ trợ tốt cho phát triển chiều cao như bơi, nhảy cao, chạy…
Chuyên gia tư vấn Kim Mai
0/5 (0 Reviews)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *